Bài phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Nguyên giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ.
1- Biện pháp phá thai được sử dụng trong những trường hợp nào?
Khi chị em phụ nữ có thai trong tử cung mà chưa muốn sinh con, hoặc thai kỳ bất thường, hoặc thai kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, họ có quyền lựa chọn các phương pháp chấm dứt thai an toàn và hợp pháp. Hiện nay, đối với những thai giai đoạn sớm (dưới 12 tuần tuổi), có hai phương pháp chấm dứt thai nghén: bằng bơm hút chân không hoặc bằng thuốc.
- Chấm dứt thai bằng bơm hút chân không:
Áp dụng cho thai dưới 12 tuần tuổi, đây là phương pháp dùng bơm hút chân không với một ống hút nhỏ bằng nhựa đã tiệt khuẩn đưa vào lòng dạ con để hút thai ra. Biện pháp này có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, an toàn, thời gian thực hiện nhanh (chỉ 10 – 15 phút), tỉ lệ thành công cao đến 99%. Một số rủi ro có thể gặp (dù hiếm) trong hoặc sau khi hút thai là: nhiễm trùng, sót nhau, sót thai, dính lòng tử cung, nặng nề hơn là choáng, băng huyết, thủng dạ con… Vì thế, kỹ thuật này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế đã qua đào tạo và tại các cơ sở y tế được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.
- Chấm dứt thai bằng thuốc:
Phương pháp uống thuốc để loại bỏ thai áp dụng cho những chị em có thai trong tử cung dưới 63 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, không mắc các bệnh lý chống chỉ định hay dị ứng với các thành phần của thuốc, thực hiện tại các cơ sở được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.
Tùy theo tuổi thai, tùy theo phân cấp phạm vi hành nghề, thuốc được sử dụng theo liều lượng khác nhau. Hai loại thuốc được cho phép sử dụng phổ biến là Mifepristone (có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của thai) và Misoprostol (gây co cơ tử cung, đẩy thai ra ngoài). Hai thuốc này cần được sử dụng cách nhau 36 – 48 giờ (với thai dưới 49 ngày tuổi). Liều thứ nhất uống tại cơ sở y tế, liều thứ hai có thể uống tại nhà, chủ động tự theo dõi sau khi được cán bộ y tế tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, hiểu rõ diễn tiến của phá thai bằng thuốc và các tai biến có thể có cũng như các cách xử trí thích hợp.
Biện pháp phá thai bằng thuốc có tỉ lệ thành công cao, từ 95 – 99%. Các trường hợp thất bại bắt buộc phải hút thai sau đó.
2- Hiện nay có nhiều bạn trẻ đã lạm dụng phá thai nhiều lần, như vậy có để lại hậu quả gì không, thưa bác sỹ?
Phá thai nhiều lần có thể đem lại những tác dụng không mong muốn :
- Có thể gặp hội chứng stress sau phá thai với những biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần kinh, tự ti, xa lánh mọi người…
- Thuốc dùng phá thai nội khoa có một số tác động ảnh hưởng toàn thân như nhức đầu, choáng váng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt hoặc ớn lạnh, rong huyết nhẹ, nặng hơn như băng huyết, sót nhau, sót thai, nhiễm trùng cơ quan sinh sản hoặc thai tiếp tục phát triển. Có thể gây vô sinh thứ phát, hoặc thậm chí tử vong (dù rất hiếm) nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
3- Bác sỹ có lời khuyên gì cho những người lỡ mang thai ngoài ý muốn?
Để tránh mang thai ngoài ý muốn, chị em phụ nữ – nhất là các bạn trẻ – nên lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp như dùng bao cao su, thuốc uống tránh thai , thuốc tiêm, que cấy, đặt vòng, triệt sản (đình sản). Nếu lỡ mang thai ngoài ý muốn và quyết định chấm dứt thai kỳ, các bạn nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, đáng tin cậy, có đủ phương tiện theo dõi, đội ngũ cung cấp dịch vụ được đào tạo bài bản… để được tư vấn và theo dõi, tránh những tai biến không đáng có.
Việc quan trọng sau đó là các bạn cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc phá thai lặp lại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn.
BS Ngọc Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét